Kiến thức sử dụng phân bón

QUY TRÌNH TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY HỒ TIÊU

Cây trồng cần dinh dưỡng để đảm bảo sinh trưởng phát triển và cho năng suất tốt. Với cây tiêu, là loại cây mà bộ rễ rất nhạy cảm với sự tấn công của các loại dịch hại nguy hiểm có sẵn trong đất, thì một chế độ bón phân hợp lý để giúp cây trồng khỏe mạnh là điều rất cần thiết.

 

1. Yêu cầu sinh thái

- Nhiệt độ và ẩm độ: Cây tiêu có khả năng chịu được nhiệt độ thấp nhất 10oC, cao nhất 40oC, phát triển tốt ở nhiệt độ không khí 20-32oC, ẩm độ tương đối trên 70% và nhiệt độ đất ở độ sâu 30cm khoảng 25-28oC.

- Lượng mưa: Cây tiêu cần lượng mưa cao, phân bố đều trong mùa mưa nhưng phải có mùa khô rõ rệt, tổng lượng mưa hàng năm thích hợp cho cây tiêu trong khoảng 1.500 – 2.500mm.

- Ánh sáng và gió: Cây tiêu ưa ánh sáng tán xạ và thích môi trường lặng gió.

- Cao độ: Cây tiêu có thể trồng đến cao độ 1.200m so với mặt nước biển, nhưng phát triển tốt trên đất cao vùng đồng bằng, cao độ dưới 600m.

-  Đất trồng: Cây tiêu phát triển tốt trên đất phì nhiêu, giàu hữu cơ, tơi xốp, thoát nước tốt; pH đất thấp nhất 4,5; tốt nhất trong khoảng 5,5-6,5; tầng đất canh tác trên 70cm, tốt nhất trên 1m; đất có độ dốc dưới 10%, tốt nhất 3-5%; mực nước ngầm sâu hơn 2m vào mùa mưa.

2. Giống

Chọn giống tiêu cho năng suất cao, chất lượng hạt tốt, thích nghi với điều kiện tự nhiên của vùng. Chọn hom giống từ cây tiêu khỏe mạnh, ở vườn tiêu không có dấu hiệu sâu bệnh, nhất là bệnh tiêu điên (virus).

+ Hom giống

Dây thân: tiêu trồng từ dây thân mau cho quả, thường năm thứ 3 sau khi trồng, năng suất cao và tuổi thọ kéo dài trên 10 năm, tỷ lệ hom sống cao (khoảng 90%).

Dây lươn: tiêu trồng từ dây lươn cho quả chậm hơn và phải đôn tiêu, thường từ năm thứ 4 sau khi trồng, tuy vậy cây tiêu cho năng suất cao, ổn định và lâu già cỗi (trên 15 năm).

3. Khoảng cách và mật độ trồng

3.1. Trụ sống

Yêu cầu trụ sống

- Cao ít nhất 2m và đường kính tối thiểu 3cm.

- Sinh trưởng nhanh, khoẻ, thân cứng, vỏ tương đối nhám để tiêu dễ bám.

- Bộ rễ ăn sâu để không cạnh tranh dinh dưỡng với cây tiêu.

- Ít lá hoặc tán thưa để không che ánh sáng của cây tiêu, có khả năng chịu xén tỉa nhiều lần mà không chết.

- Ít sâu bệnh hoặc không phải là cây ký chủ của sâu bệnh hại tiêu.

Thông thường chọn cây họ đậu hoặc một số cây có thể trồng bằng cành để kịp cho tiêu leo bám. Với các loại trụ sống trồng bằng cây con, nên trồng cây trụ sống trước khi trồng tiêu một năm, hoặc trồng trụ tạm cho tiêu bám khi cây trụ sống còn nhỏ.

Một số loại trụ sống được trồng làm trụ tiêu

+ Đông Nam bộ: keo dậu, lồng mức, muồng đen, gòn, giả anh đào hoặc còn gọi là đỗ quyên, muồng cườm với khoảng cách 2,5 x 2,5m hoặc 3,0 x 2,5m, mật độ 1.300-1.600 trụ/ha.

+ Duyên hải miền Trung: lồng mức, keo dậu, mít, trồng với khoảng cách 2,5 x 2,5m hoặc 3,0 x 2,5m.

+ Tây Nguyên: keo dậu, đỗ quyên, muồng đen, lồng mức, trồng với khoảng cách 2,5 x 2,5m hoặc 3,0 x 3,0m, mật độ 1.100-1.600 trụ/ha.

3.2 Trụ bê-tông

- Chiều rộng phần gốc 20-22cm, chiều rộng phần ngọn 17-19cm.

- Chiều cao 4,0-4,5m, chôn sâu 0,6-0,8m.

- Trụ có ba cốt sắt dọc Φ = 10-12cm và vành sắt đai để chống đỗ gãy.

- Khoảng cách: 2,2-2,5m x 2,0-2,5m; mật độ 1.600-2.200 trụ/ha.

4. Kỹ thuật trồng tiêu

4.1. Thời vụ trồng tiêu

Thời vụ trồng tuỳ thuộc vào điều kiện khí hậu của từng khu vực, thường trồng vào đầu mùa mưa, khi đã mưa đều và kết thúc trước mùa khô khoảng 2-2,5 tháng. Thời vụ trồng vùng Đông Nam Bộ từ tháng 06-08; Vùng duyên hải miền trung: tháng 9 đến tháng 10; Tây Nguyên từ  tháng 5 đến tháng 8.

4.2. Chọn đất trồng tiêu, làm đất

Đất cần được cày bừa kỹ và xử lý mầm bệnh trước khi trồng, trên đất chua cần bón vôi trước khi bừa lần cuối, lượng vôi bón khoảng 1,5-2,0 tấn/ha.

Kích thước hố thường 30x40x40cm cho hom đơn hoặc 40x40x40cm cho hom đôi, mỗi hố bón 7-10kg phân chuồng hoai + 200-300g phân NasaMix trộn đều với lớp đất mặt cho vào hố khoảng 20cm. Nên tiến hành đào hố và trộn phân lấp hố trước khi trồng ít nhất nửa tháng.

Khi trồng mới trên vườn tiêu cũ, cần cày bừa, dọn sạch rễ cây và tàn dư thực vật trong đất, sau đó luân canh với cây họ đậu hoặc các cây ngắn ngày khác ít nhất 1-2 năm trước khi trồng mới.

4.3. Làm bồn, bón phân và tưới nước

Làm bồn

Vườn tiêu không có điều kiện tưới nhỏ giọt hoặc tưới phun mưa dưới tán cần làm bồn tạm để tưới nước trong mùa khô, khi làm bồn tránh gây tổn thương bộ rễ. Vào đầu mùa mưa, sau khi bón phân lần 1 cần san bằng bồn sao cho đất quanh gốc tiêu ngang bằng hoặc cao hơn vùng đất giữa các trụ tiêu để vườn tiêu thoát nước tốt trong mùa mưa.

Bón phân

1. Hồ tiêu trồng mới:

Bón lót trước khi trồng 2 – 3 kg phân bón hữu cơ sinh học NaSaMix/hố.

2. Hồ tiêu kiến thiết cơ bản (1 – 3 năm)

- Phân hữu cơ: Bón 2 – 3 kg phân bón hữu cơ sinh học NaSaMix/trụ/năm. Bón vào đầu mùa mưa.

- Phân NPK:

+ Sử dụng một trong các loại phân bón NPK sau: 16-16-8+6S+TE, 19-19-9+TE, 20-16-8+TE Neem, 20-20-15+TE,…

+ Lượng bón 200 – 300 gram/trụ/đợt, bón 4 - 6 đợt/năm. Mỗi năm tặng khoảng 10% lượng bón.

+ Bón phân khi đất đủ ẩm hoặc kết hợp với tưới nước. Hiệu quả cao khi bón vùi phân vào trong đất theo mép bồn ở độ sâu 0 – 20cm. Hạn chế tối đa việc làm tổn thương cơ học cho rễ khi làm bồn, bón phân.

3. Hồ tiêu kinh doanh

- Phân hữu cơ: Bón 2 – 3 kg phân bón hữu cơ sinh học NaSaMix/trụ/năm. Bón vào đầu mùa mưa.

- Phân NPK:

+ Sau khi thu hoạch: Sử dụng phân bón NPK 16-16-8+6S+TE, 19-19-9+TE, 20-16-8+TE Neem, 20-20-15+TE,…. Lượng bón 300 – 400 gram/trụ.

+ Nuôi trái: Sử dụng phân bón chuyên dùng NPK 15-7-19+TE... Lượng bón 300 – 400 gram/trụ/đợt. Bón 3 - 5 đợt/vụ nuôi trái. Bón phân khi đất đủ ẩm hoặc kết hợp với tưới nước. Hiệu quả cao khi bón vùi phân vào trong đất theo mép bồn ở độ sâu 0 – 20cm. Hạn chế tối đa việc làm tổn thương cơ học cho rễ khi làm bồn, bón phân.


 Tưới và tiêu nước

Vườn tiêu mới trồng và trong giai đoạn chưa cho trái, vào mùa khô phải tưới nước đủ ẩm và kết hợp với che chắn, không nên tỉa cành cây trụ sống trong mùa khô để tạo ẩm độ trong vườn và che bóng cho cây tiêu. Trong thời kỳ kinh doanh, sau vụ thu hoạch chỉ nên tưới nước vừa đủ để cây tiêu tồn tại, không nên tưới nhiều vì tưới nhiều cây tiêu sẽ tiếp tục sinh trưởng và ra hoa rải rác làm ảnh hưởng vụ thu hoạch kế tiếp. Các nguồn nước sử dụng cho tiêu phải sạch, không ô nhiễm, nhất là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và hoá chất trong nông-công nghiệp.

4.4. Làm cỏ và tủ gốc

Làm cỏ bằng tay 2-3 lần vào đầu và giữa mùa mưa, làm sạch cỏ quanh gốc tiêu trong vòng bán kính khoảng 50-60cm, không nên thường xuyên làm sạch cỏ giữa các trụ tiêu, dùng cỏ hoặc rơm rạ khô tủ quanh gốc tiêu vào đầu mùa khô để giữ ẩm.

4.5. Dịch hại và biện pháp phòng trừ

Phải thường xuyên thăm vườn để phát hiện dịch hại ở giai đoạn sớm và phòng trừ kịp thời. Cần áp dụng nhiều biện pháp phòng trừ tổng hợp để phòng trừ dịch hại có hiệu quả và bền vững.

5. Thu hoạch, sơ chế và bảo quản

Thu hoạch và tách hạt

Mùa vụ thu hoạch thay đổi theo vùng, tháng 1-3 ở Đông Nam bộ và Phú Quốc, tháng 2-4 ở Tây Nguyên, tháng 3-5 ở Nam Trung Bộ và tháng 5-7 ở Bắc Trung bộ.

Không thu hoạch khi quả tiêu còn xanh, thời điểm thu hoạch tốt nhất để làm tiêu đen khi chùm tiêu có trên 5% quả chín có màu vàng hoặc đỏ và để làm tiêu trắng khi trên 20% quả chín.

Khi thu hái xong có thể phơi ngay để làm tiêu đen hoặc ủ 1-2 ngày trong mát cho tiêu tiếp tục chín để làm tiêu sọ, thường xuyên trộn đều trong quá trình ủ để quả chín đều, tách hạt ra khỏi chùm quả sau khi phơi ½ -1 nắng.

Bảo quản

Hạt tiêu đưa vào bảo quản phải khô, đạt độ ẩm 12-13% và sạch tạp chất. Bảo quản tiêu bằng bao hai lớp, lớp trong là bao ni-lông (PE) để chống ẩm mốc, lớp ngoài là bao PP hoặc bao bố, bao dùng đựng tiêu phải là bao mới hoàn toàn. Tiêu được đưa vào chất trên kệ hoặc pa-lét trong kho khô ráo và thông thoáng.

Liên hệ mua hàng: PKD- 02723 633 555

 


Thông tin liên hệ
PHÂN BÓN NĂM SAO

- Địa chỉ : Cụm Công Nghiệp Long Định  - xã Long Định - Huyện Cần Đước - Tỉnh Long An

- Điện thoại: (0272) 3634 222 - 633 555 | Fax: (0272) 3633 459

- Số ĐKKD: 1101999301 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An cấp ngày 09 tháng 12 năm 2021

- Người đại diện: Ông Trần Bá Mai Anh Vũ

banner bottom